Bài ca bên cánh võng, bài hát của người lính Trường Sơn thập niên 70

hình ảnh người lính trong Bài ca bên cánh võng

Về Bài ca bên cánh võng, không chỉ những người lính gắn liền với chặng đường hành quân đánh giặc. Mà cả thế hệ người Việt Nam gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày ấy đã từng được nghe, được hát thì không thể nào quên. Cùng anh bộ đội, “võng theo ra chiến trường, võng theo ta giải phóng”. “Bài ca bên cánh võng” đã động viên, thôi thúc người chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 của dân tộc.

Giữa những ngày tháng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang còn ở thời kỳ quyết liệt. Bên cạnh âm hưởng hào hùng sục sôi không khí “chiến đấu và chiến thắng” của rất nhiều bài ca hừng hực khí thế.  Lòng ta bỗng dịu đi, lắng lại bởi một bài hát rất độc đáo với giai điệu mượt mà, uyển chuyển nhưng không kém phần sâu sắc đó là ” Bài ca bên cánh võng”.

“Bài ca bên cánh võng” mới nghe qua đã thấy phảng phất âm điệu của chất ví dặm khu Bốn. Nhưng được nhạc sĩ phát triển, tạo cho ca khúc vẻ mới mẻ, hiện đại. Giữa ngày tháng ấy, những bài hát như thế không nhiều so với các ca khúc sôi nổi, sục sôi hào khí.

“Dừng chân bên suối võng đưa.
Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng.
Bông hoa rừng thơm ngát phải đất nước cho ta.
Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát…”

Đó là những lời đầu tiên dẫn vào “Bài ca bên cánh võng” của Nguyên Nhung – Một nhạc sĩ suốt đời mặc áo lính. Nhạc sĩ kể: “Dịp ấy là năm 1969, tôi đang học sáng tác tại trường Đại học âm nhạc (nay là Nhạc viện Quốc gia) thì được điều động về các địa phương công tác như các nhạc sĩ quân đội khác. Vì khi ấy nhu cầu tuyên truyền văn nghệ ở mọi nơi đang rất cần nhiều chiến sỹ làm công tác văn nghệ.

Tôi được điều động về Đoàn Văn công Quân khu Bốn. Sau một số sáng tác làm tiết mục cho Đoàn. Tôi thấy cần có một bài mang một phong cách mới lạ. Khác hẳn so với những bài đã trình diễn. Đang loay hoay tìm ý tứ thì tình cờ tôi quen biết một đồng chí Chính uỷ sư đoàn (đồng chí này sau đó đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972).

Phút nghĩ ngơi hiếm hoi của người lính bên chiếc võng

Trong một lần tâm sự, tôi hỏi đồng chí: – “Là chính uỷ, trước mỗi trận đánh, anh nói điều gì với anh em chiến sĩ để động viên họ? Chắc chắn thời gian không có nhiều, anh không thể nói dài, chỉ có thể là một vài câu. Vậy đó là câu gì?” . Đồng chí chính uỷ trả lời: “Tôi nói: Anh em, hãy hi sinh tất cả vì Tổ quốc. Vâng, lúc ấy tôi chỉ còn biết nghĩ đến Tổ quốc. Và tôi nghĩ anh em họ cũng chỉ nghĩ như thế chẳng kịp nghĩ gì hơn”.

Sau câu trả lời đó, tôi nảy ra tứ: Người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc. Nhưng như vậy thì xưa nay rất nhiều tác phẩm đã đề cập và đã có những tác phẩm rất hay. Tôi phải tìm một hình tượng nào đó để chuyển tải ý tứ này. Thế là hình tượng cánh võng xuất hiện. Và tôi đã viết như mọi người đã biết…”

Người lính Trường Sơn bên chiếc võng
Người lính Trường Sơn bên chiếc võng màu xanh quen thuộc

Võng quả là một hình tượng đắt để nói về người lính Trường Sơn. Bởi đó là một vật dụng không thể thiếu trong hành trang của họ. Nhưng điều quan trọng tạo nên giá trị của bài hát là từ chiếc võng. Từ việc mắc võng và người lính nằm trên võng mà suy tư về Tổ quốc. Liên tưởng đến nhiệm vụ, sứ mạng của mình với quê hương, đất nước. “Bài ca bên cánh võng” đã thể hiện hình tượng người lính và cái võng rất tuyệt vời.

Trong cái đung đưa của cánh võng, người lính nằm trên võng ngửa mặt “nhìn trời cao lồng lộng”.  Có lẽ chưa bao giờ thấy bầu trời của Tổ quốc đẹp như vậy. Ít phút dừng chân bên suối giữa rừng trong những cuộc hành quân. Nằm trên võng là khoảng thời gian vô cùng quý hiếm của đời lính. Anh miên man nghĩ đến: Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát. Bông hoa rừng thơm mát, phải đất nước cho ta? và Cho quê ta hết giặc, bao em thơ yên ngủ. Về anh ru dưới bóng dừa.

Với “Bài ca bên cánh võng “, tác giả đã kiếm tìm được một ngôn ngữ âm nhạc quý hiếm, giàu hình tượng. Những đường nét, giai điệu uốn lượn, bổng trầm diễn tả rất sinh động cái đung đưa của cánh võng. Nhưng ở đây là võng giữa rừng, bên suối – nghĩa là giữa thiên nhiên có “trời cao lồng lộng”  “bông hoa rừng thơm ngát”.

người lính ngân nga hát " Bài ca bên cánh võng"

Giả sử có một ai đó đề nghị tôi hãy chọn một bài hát trữ tình nào đó để người nước ngoài thấy hết được tâm hồn bình dị mà rất phong phú, lãng mạn, dạt dào tình yêu quê hương, đất nước với lý tưởng thiêng liêng sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc của những con người bình thường nhất, thấy được vẻ đẹp hồn hậu của cả một dân tộc, tôi xin chọn “Bài ca bên cánh võng”.

 

(Sưu tầm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.