Võng ngày xưa thời phong kiến

võng ngày xưa có hai người khiên

Võng ngày xưa được các quan chức sử dụng như một phương tiện đi lại, tùy theo chức vị mà võng, lọng có màu sắc, chất liệu và trang điểm khác nhau. 

 

Thuở khoa bảng Hán học còn cực thịnh, mùa xuân tổ chức thi Hội đến mùa thu thi Đình lấy đỗ Tiến sĩ. Những vị tân khoa sẽ được nhà vua ban thưởng áo mũ cân đai, được vào dự quốc yến ở hoàng cung, có buổi cưỡi ngựa xem hoa, thưởng nguyệt dạo khắp phố phường kinh thành Huế.

 

Trước khi lều chõng về kinh ứng thí, nhiều sĩ tử còn ngơ ngác giữa chốn phồn hoa đô hội. Sau khi thi đỗ, nhiều người trở về với mối tình ở quê, có người được vua gả công chúa mà thành phò mã đô úy, có người trở thành hiền tế của các quan đại thần hay nhà quyền quý, hoạn lộ đầy triển vọng.

Khi mọi việc ở kinh đã xong, vị tân khoa cưỡi ngựa vua ban trở về quê nhà, đưa theo hiền thê để ra mắt song thân và xóm làng, làm lễ tạ ơn cha mẹ và ơn thầy học với cảnh “hai bên có lính hầu dẹp đường, loa loan báo”, với trống chiêng cờ xí náo nhiệt chưa từng thấy; mới có cảnh: “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Đấy là chuyện triều đình ban thưởng cho những người học hành đỗ đạt ngày xưa – các tân khoa tiến sĩ võng, lọng về quê “vinh quy bái tổ”…
võng ngày xưa của quan lớn
Còn việc đi lại hàng ngày hay công cán của các viên quan ra ngoài xã hội lại được quy định rất chặt chẽ; tùy theo cấp bậc mỗi chức quan mà được sử dụng các thứ võng, lọng có màu sắc, chất liệu và trang điểm khác nhau đã quy định. Nhìn thấy võng, lọng di chuyển dân chúng có thể nhận ra phẩm hàm của người ngồi trên võng. Ngày xuân thư thái, xin được kể vài ví dụ về chuyện võng, lọng xưa ở Huế.
Theo quy định của triều đình, quan văn từ tuần phủ, võ từ đề đốc trở lên khi ra ngoài dân chúng thì được đi võng điều (loại võng dệt bằng gai, nền hoa cải tròn). Trên có mui để che mưa nắng, mui đan bằng tre rồi sơn, hai bên che mành mành, lại bỏ sáo bằng vóc.
Võng không mui gọi là võng trần. Trong các đám rước gần thường hay dùng võng trần, khi đi xa mới dùng võng có mui. Khi đi võng trần, người ta có thể ngồi xếp bàn tròn trong võng, đi võng có mui thì nằm và có thể ngủ ở trong võng.
Các viên quan đi võng có hai người khiêng (nhiều vị đại thần có bốn người khiêng), hai người vác chấu, khi nào muốn nghỉ thì gác võng lên chấu, cái ngáng (hình cong dài ước 80cm để xâu dây ở đầu võng vào, rồi kéo chụm lại móc vào đòn võng) làm bằng ngà voi, đòn khiêng sơn son, hai đầu chỗ để móc võng có 2 con ly. Cái chấu (giá để gác võng khi nghỉ) cũng sơn son.

 

Các chức quan bố chánh, án sát, lãnh binh, được đi võng thắm, ngáng bằng gỗ sơn son, đòn khiêng sơn son, 2 đầu chỗ móc có 2 con sấu, chấu cũng sơn son.

 

Các quan tri phủ, tri huyện, chánh, phó quản đi võng xanh, ngáng bằng gỗ xương cá và đòn khiêng đều sơn màu cánh gián, hai đầu chỗ để móc có hình 2 con dơi, chấu sơn màu cánh gián.

 

Trong những các dịp lễ (quan, hôn, tang, tế), thường dân cũng được đi võng, nhưng chỉ gọi là cáng, nhuộm màu xanh nhạt, ngáng bằng gỗ sơn màu trắng, không có chấu. Những người nhiều tuổi đi đâu cũng được dùng cáng.

 

Các thứ lọng cũng áp dụng theo phẩm hàm chức tước: hễ vua ngự giá thì dùng bốn lọng màu vàng, lọng của vua có 28 bông bèo, làm bằng chỉ bào lấy ở bẹ lá cây thơm hoặc bằng bông nhuộm ngũ sắc, hình bằng quả táo, xâu chỉ thả lòng thòng dài độ 5 tấc rồi cột thắt vào nan lọng.

 

Chóp lọng thì bằng bạc màu vàng, cán bằng gỗ sơn son. (Tham khảo sách Đại Việt Sử ký thấy đời nhà Trần, các Tôn thất, Vương hầu được đi bốn lọng màu tía; quan văn võ từ nhị phẩm đến ngũ phẩm đi hai lọng xanh; từ lục phẩm đến cửu phẩm được đi một lọng đen).

 

Hoàng tử được đi bốn lọng màu đỏ hoặc màu tía, có 20 bông bèo, chóp lọng bằng màu thau mạ vàng, cán gỗ sơn son.

 

Các viên quan, văn từ tuần phủ, võ từ đề đốc trở lên, được đi bốn lọng màu xanh, có 16 bông bèo, chóp lọng bằng thiếc mạ bạc, cán bằng tre quét sơn màu cánh gián.

 

Quan bố chánh, án sát, đốc học, lãnh binh, được đi hai lọng xanh, có 12 bông bèo, chóp lọng bằng thiếc, cán tre quét sơn màu cánh gián.

 

Quan tri phủ, tri huyện, giáo thụ, huấn đạo, chánh, phó quản, được đi một lọng xanh, có 8 bông bèo, chóp lọng bằng thiếc, cán bằng tre, sơn màu cánh gián.

 

Các tân khoa cử nhân, được đi một lọng xanh, có 4 bông bèo, chóp sơn xanh, cán bằng tre, những lóng tre quét bằng thiếc.

 

Gặp dịp các lễ: quan, hôn, tang, tế, thường dân cũng được đi lọng xanh, nhưng không có bông bèo.

 

Khi rước thần bậc thượng đẳng được đi bốn lọng màu vàng, có 20 bông bèo, chóp thếp vàng. Rước thần bậc trung đẳng đi 4 lọng vàng, có 16 bông bèo, chóp bằng thiếc. Rước phúc thần đi 4 lọng xanh, có 12 bông bèo, chóp sơn màu trắng…

 

Mặc dù dưới chế độ quân chủ nhà Nguyễn nhiều mặt xã hội còn rất hạn chế, nhưng qua chuyện võng, lọng ta thấy việc quy định “phương tiện” đi lại dành cho quan viên khi ra với dân chúng lại rất được chú trọng và chặt chẽ. Mỗi chức quan được hưởng bổng lộc của triều đình thì phải làm đúng chức phận, mà trước hết là phải chấp hành luật pháp nghiêm túc.

 

Dù là ai, ở chức vị nào, và dù giàu hay nghèo đều phải tuân thủ. Điều ấy nói lên sự trật tự của xã hội mà bất cứ ai cũng không thể vượt qua.

 

Chiếc võng ngày xưa rất đắc đỏ, chỉ có vua chúa, quan chức cấp cao mới có điều kiện sử dụng. Ngày nay võng rất phổ biến. Chỉ cần gọi ngay cho Võng xếp Trường Thọ là bạn sẽ có một bộ võng sang chảnh, đẳng cấp không kém vua chúa ngày xưa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.